Tuesday, January 21, 2014

Biệt Động Quân: những người lính Mũ Nâu bất khuất

Trong bối cảnh đất nước chia đôi với sự hình thành 2 quốc gia độc lập trong đó Việt Nam Cộng Hòa (ban đầu có tên là Quốc Gia Việt Nam) quản lý từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, miền Bắc đã thực hiện mục đích khởi động chiến tranh xâm lược miền Nam. Cộng sản đã tổ chức lực lượng nằm vùng, len lỏi vào miền Nam Việt Nam, thực hiện các cuộc chiến tranh du kích trên các vùng nông thôn, vùng núi hiểm trở sát dãy Trường Sơn. Để ngăn chặn sự xâm nhập của CS và đối phó chiến tranh du kích, Chính phủ VNCH nhận thấy cần có những đơn vị quân đội được huấn luyện đặc biệt với các trang thiết bị phù hợp. Dưới sự tham mưu quân sự của các cố vấn Hoa Kỳ và Bộ Tổng tham mưu, Tổng thống Ngô Đình diệm đã chấp thuận cho thành lập và huấn luyện những đơn vị quyết tử và các đơn vị thám sát nhằm thực hiện các công tác bí mật và nguy hiểm. Tình hình chiến sự leo thang và ngày càng khốc liệt, chiến tranh du kích của CS ngày càng mở rộng về mặt quy mô và chiến lược ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, gây khó khăn và thiệt hại cho các đơn vị Bộ binh Quân lực VNCH đồn trú. Nắm được tình hình đó, ngày 15 tháng 2 năm 1960 Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra sắc lệnh cho các sư đoàn thành lập các Đại đội Biệt Động Quân (BĐQ) (Hoa kỳ gọi là Ranger).


Sau sắc lệnh đó có 50 đại đội đã được thành lập trong đó có 32 đại đội thành lập vào đầu tháng 3 năm 1960 thuộc các Quân khu và 18 Đại đội do các Sư đoàn điều khiển.

Liên đoàn 1 Biệt Động Quân tại tuyến La Vang cuối tháng 4 năm 1972
Nhiệm vụ của Biệt Động Quân là đối phó với chiến tranh du kích của CS trên toàn lãnh thổ VNCH. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đòi hỏi các quân nhân tham gia đều phải có lòng can đảm, giàu kinh nghiệp chiến trường và có sức chịu đựng cao. Để đảm bảo  có được lực lượng hội đủ các điều kiện này, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh chọn các cán bộ chỉ huy từ cấp Trung đội trưởng đến Đại đội trưởng đều phải là các quân nhân xuất sắc, căn bản là tự nguyện, không nhận binh sỹ quân dịch. Tháng 5 năm 1960, toán huấn luyện đặc biệt dưới quyền Đại tá William Ewald từ Liên đoàn 77 Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ tại Fort Bragg, North Calorina được gửi tới Việt Nam để huấn luyện cho Biệt Động Quân về chiến thuật và kỹ thuật tác chiến. Và ngày 1 tháng 7 năm 1960 đánh dấu một ngày đặc biệt: chính thức thành lập Binh chủng Biệt Động Quân VNCH dưới sự hỗ trợ của toán huấn luyện lưu động của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ do Đại tá Lewis Mille chỉ huy. Song hành với việc huấn luyện là các công việc liên quan tới hoàn chỉnh tổ chức Binh chủng, soạn thảo huấn thị, huấn lệnh, chọn phù hiệu, lập bảng số. Dưới sự hỗ trợ của các Trung tâm huấn luyện và các chuyên gia huấn luyện Hoa Kỳ, lực lượng Biệt Động Quân dần dần đi vào hoạt động, việc huấn luyện cũng dần hoàn chỉnh, các Trung tâm huấn luyện ban đầu chấm dứt nhiệm vụ, việc huấn luyện được chuyển sang Trung tâm mới dành riêng đào tạo Biệt Động Quân. Trung tâm đồn trú tại Dục Mỹ nằm trên Quốc lộ 21 từ Ninh Hòa tới Ban Mê Thuột.

Năm 1964, các Tiểu đoàn 10, 20, 30 được cải danh thành Tiểu đoàn 11, 21, 31 Biệt Động Quân tương ứng với thứ tự vùng chiến thuật. Đến cuối năm 1964 đầu năm 1965 Binh chủng đã cải tổ và phát triển hoàn chỉnh và có hơn 20 Tiểu đoàn tác chiến gọi là BĐQ tiếp ứng đã cùng các đơn vị bạn như Nhảy Dù, TQLC... tham dự các trận đánh lớn lập nhiều chiến công vẻ vang trên khắp 4 vùng chiến thuật. Điển hình như Trận Bình Giã (vùng 1 CT), Đồng Xoài (vùng 3 CT) và dành nhiều huy chương cao quý. Cuộc chiến ngày càng lan rộng và khốc liệt, bởi vậy năm 1967 Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH đã quyết định phát triển và nâng lực lượng BĐQ lên mức Liên đoàn, khởi đầu là Liên đoàn 5 BĐQ tổng trừ bị cho Bộ Tổng tham mưu QL VNCH, đặc trách chiến trường bảo vệ Biệt khu Thủ Đô. Năm 1970, lực lượng BĐQ có cơ hội vươn mình lớn mạnh và khẳng định mình khi nhận thêm nhiệm vụ chặn tuyến xâm nhập địch quân từ Bắc vào Nam, dọc biên giới Việt-Lào, Việt Nam - Campuchia. Lúc này để đáp ứng nhiệm vụ mới bên cạnh 20 Tiểu đoàn BĐQ tiếp ứng, có thêm 39 Tiểu đoàn BĐQ biên phòng, tham gia hành quân ngoại biên, truy quét CSBV.

Đến năm 1971, Binh chủng BĐQ đã có 15 Liên đoàn. Mùa hè 1972, BĐQ hoàn toàn đảm trách chiến trường Bình Long - An Lộc do Tư lệnh Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn, Chỉ huy trưởng BĐQ chỉ huy. Trong bối cảnh phải chiến đấu tự lực và đơn phương sau Hiệp định Paris, Bộ Tổng tham mưu QL VNCH quyết định thành lập Sư đoàn Biệt Động Quân. Cuối tháng 3 thành lập 2 Sư đoàn là Sư đoàn 101 do vị Tư lệnh đầu tiên và cũng là cuối cùng Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn chỉ huy trưởng và Sư đoàn 106 do Đại tá Nguyễn Văn Lộc là Tư lệnh

Biệt Động Quân là một binh chủng biệt động cảm tử luôn dấn thân vào những mặt trận máu lửa nhất. Biệt Động Quân được sử dụng tối đa cho các cuộc hành quân trực thăng vận, vào tận sào huyệt của Cộng Sản, tung hoành khắp 4 vùng chiến thuật. Cọp con thuộc các Tiểu đoàn 41, 42, 43, 44 vang lừng khắp chiến trường; các chiến sỹ mũ nâu thuộc Tiểu đoàn 21 và 39 đã làm cho Quân lực Hoa Kỳ phải ngả mũ kính chào trước sức chiến đấu bền bỉ và dũng mãnh trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Riêng Tiểu đoàn 43 là đơn vị cuối cùng tự thủ tại Sài Gòn bảo vệ cho người dân trước súng đạn của kẻ thù. Biệt Động Quân mãi mãi đi vào những trang hào hùng nhất của Quân lực miền Nam ghi danh tên tuổi bất khuất Vị Quốc Vong Thân như Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn....

Ozzie Nguyen

Wednesday, January 8, 2014

Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến: các vị Chỉ huy và Tư lệnh xuất sắc

1. Trung tá Lê Quang Trọng - Chỉ huy trưởng đầu tiên: ông tốt nghiệp khóa 2 Sỹ quan Đập Đá (Huế). Tháng 6 năm 1955 ông được Phủ Thủ tướng bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Binh Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC). Thời kỳ đầu Binh chủng TQLC là đơn vị trực thuộc Quân chủng Hải Quân Việt Nam về cả hai phương diện Chỉ huy và Hành chính. Chỉ huy trưởng TQLC có cấp bậc Trung tá còn Tư lệnh Hải Quân Việt Nam là Hải Quân Thiếu tá Lê Quang Mỹ.





2. Thiếu tá Phạm Văn Liễu: ông đã từng hoạt động lâu dài trong các Liên Đoàn tuần giang xung kích cũng như thực tập với các đơn vị biệt kích Commando ở miền Bắc trước khi di chuyển vào Nam sau Hiệp định Geneva nên được giao phó trách nhiệm thành lập Binh chủng TQLC với Trung úy Lê Nguyên Khang phụ tá. Ngày 18 tháng 1 năm 1956 Tổng thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm Thiếu tá Phạm Văn Liễu làm Chỉ huy trưởng TQLC Việt Nam, vị Chỉ huy trưởng thứ 2 của Binh Chủng. Sau hơn nửa năm Bộ Tham mưu nghiên cứu và được các cố vấn Hoa Kỳ yểm trợ, ngày 21 tháng 12 năm 1956 ông đệ lên Bộ Tham mưu kế hoạch cải tổ mới: thành lập thêm một Tiểu Đoàn Bộ Binh TQLC và nâng Binh chủng thành Liên Đoàn TQLC.

3. Đại úy Bùi Phó Chí: ông học Thiếu sinh quân. Lúc còn là Trung úy đã là Đại đội trưởng Commando 13 và là một đại đội nổi danh không kém Commando Vandenberg trên chiến trường Bắc Việt. Sau khi các đơn vị Commandos giải tán được chuyển sang Quân đội VNCH, ông là Tiểu đoàn trưởng TQLC đầu tiên. Trong thời gian giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 Đổ bộ (1955-1956) ông đã chỉ huy Tiểu đoàn tham dự chiến dịch Đinh Tiên Hoàng hành quân vào Đảo Hòn Me, Hòn Sóc, Luỳnh Quỳnh ở Rạch Giá, chiến dịch Hoàng Diệu (Rừng Sát), Nguyễn Huệ (Giồng Riềng, Rạch Giá). Đầu tháng 8 năm 1956 Tổng thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm ông kiêm nhiệm chức vụ Xử lý Thường Vụ (XLTV) Chức vụ Liên Đoàn trưởng TQLC thay thế Thiếu tá Phạm Văn Liễu và tiếp tục giữ chức này đến ngày 1 tháng 10 năm 1956.

4. Trung tá Lê Như Hùng: ông xuất thân Khóa 1 Sỹ quan tại Đập Đá (Huế). Học Khóa Tham mưu tại Trường Tham mưu do Quân đội Pháp tổ chức tại Sài Gòn Chợ Lớn. Sau khi mãn khóa ông ở lại trường làm Huấn luyện viên. Ông được thuyên chuyển về TQLC giữ chức vụ Chỉ huy trưởng thay thế Đại úy Bùi Phó Chí đang XLTV chức vụ Chỉ huy trưởng. Năm 1956 ông và Bộ chỉ huy Liên Đoàn cùng Tiểu Đoàn 2 tham gia Chiến dịch Hồng Nhạn với Hải Quân Trung tá Lê Quang Mỹ Tư lệnh Hải Quân Việt Nam, mục đích cắm các cột mốc chủ quyền Việt Nam trên các hòn đảo ở biển Đông và Vịnh Thái Lan. Năm 1957 ông chỉ thị Phòng 5 và Phòng 3 thuộc Bộ Chỉ huy Liên Đoàn TQLC vẽ một số kiểu mẫu vải ngụy trang và phù hiệu cánh tay. Ông lựa chọn bản vẽ hình quả địa cầu có bản đồ chữ S ở giữa làm huy hiệu cho Binh chủng và vải màu xanh lá cây có vằn đen làm quân phục tác chiến. Ông rời Binh chủng TQLC tháng 4 năm 1960 bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Liên Đoàn TQLC cho Thiếu tá Lê Nguyên Khang Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1. Trong khi đang giữ chức vụ Tỉnh trưởng Kiến Hòa ông được thăng cấp Trung tá và được Tổng thống bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Biệt Bộ Phủ Tổng thống. Ông là người đã đóng góp nhiều cho sự hùng mạnh của Đoàn quân Mũ Xanh.

5. Trung tướng Lê Nguyên Khang - Vị Tư lệnh đầu tiên và lâu đời nhất của TQLC: ông tốt nghiệp Khóa 1 Lê Lợi Sỹ quan Trừ bị Nam Định. Năm 1955 ông làm Đại đội trưởng Đại đội Hành quân và Công vụ TQLC. Tháng 9 năm 1957 ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn Đổ Bộ (sau đổi tên thành Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên TQLC). Tháng 5 năm 1958 ông du học lớp Tham mưu Đổ bộ tại Trung tâm Huấn luyện TQLC Quantico Virginia Hoa Kỳ. Kết thúc khóa học ông trở về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 TQLC, sau đó được thăng cấp Thiếu tá giả định Chỉ huy trưởng Liên Đoàn TQLC. Ngày 1 tháng 3 năm 1962 ông được thăng Trung tá. Năm 1964 ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Lữ Đoàn TQLC, đến ngày 11 tháng 8 ông được thăng chức Chuẩn tướng, 21 tháng 10 ông được vinh thăng Thiếu tướng nhiệm chức.

6. Thiếu tướng Bùi Thế Lân: ông tốt nghiệp Khóa 4 Cương Quyết Sỹ quan Trừ bị Thủ Đức, tốt nghiệp ông về làm Đại đội trưởng Tiểu Đoàn 1 TQLC, hàm Thiếu úy. Năm 1960 ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Liên Đoàn TQLC. Ngày 1 tháng 6 năm 1961 ông được bổ nhiệm làm Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 4 TQLC, hàm Đại úy. Năm 1963 ông du học khóa Chỉ huy và Tham mưu  TQLC tại căn cứ TQLC Hoa Kỳ. Sau khóa học trở về ông nhận chức Tham mưu trưởng Lữ Đoàn TQLC với cấp bậc Thiếu tá. Ngày 1 tháng 11 năm 1964 ông được thăng cấp Trung tá, một năm sau được thăng lên cấp Đại tá. Năm 1971 ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phó kiêm Tham mưu trưởng Sư Đoàn TQLC. Ngày 4 tháng 5 năm 1972 ông thay thế Trung tướng Lê Nguyên Khang, làm Tư lệnh Sư Đoàn TQLC. Cuối tháng 5 năm đó ông được vinh thăng Chuẩn tướng nhiệm chức. Đầu tháng 4 năm 1975 ông được vinh thăng Thiếu tướng nhiệm chức và là vị Tư lệnh cuối cùng của Sư Đoàn TQLC Quân lực VNCH.

Trải qua những năm tháng cam go ác liệt, từ ngày thành lập cho đến những phút sau cùng của cuộc chiến Đoàn quân của nhưng người lính Mũ Xanh dưới sự chỉ huy của các vị Tư lệnh xuất sắc đã luôn hoàn thành nhiệm vụ, lập nhiều chiến công hiển hách làm nên những dấu ấn trong Quân sử hào hùng của dân tộc. Dấu chân của TQLC tới đâu là ngọn cờ vàng tung bay tới đó, mảnh đất miền Nam luôn được giữ trọn bằng sức chiến đấu bền bỉ và sự hy sinh quên mình dưới lời thề Tổ Quốc.

Ozzie Nguyen
(Bài viết được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau)

Tuesday, January 7, 2014

Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến: sử sách mãi ghi chiến công của những người lính Mũ Xanh


1. Thành lập
Ngày 15 tháng 10 năm 1954, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh chính thức thành lập Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC). Ban đầu là Tiểu Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 2 thành lập năm 1955 cùng một Bộ chỉ huy binh chủng và một đại đội pháo binh. Đến tháng 9 năm 1957 Tiểu Đoàn 3 được thành lập và đến tháng 6 năm 1959 Liên Đoàn TQLCchính thức được thành lập với 2276 quân nhân và cùng Lữ đoàn Nhảy Dù hình thành lực lượng tổng trừ bị cơ động chiến lược của Quân đội VNCH, hoạt động khắp bốn vùng chiến thuật. Đầu năm 1961 quân số tăng lên 3321 người, chia thành 4 Tiểu Đoàn và các đơn vị yểm trợ. Năm 1963 Bộ Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến đã thành lập để chỉ huy 2 Chiến Đoàn TQLC (gồm 5 Tiểu Đoàn) và 1 Tiểu Đoàn pháo binh, tách ra khỏi Hải Quân và trở thành một lực lượng tổng trừ bị của Quân lực VNCH.
Năm 1968 Thủy Quân Lục Chiến tham chiến trên 2 mặt trận Sài Gòn và Huế, lúc này Sư Đoàn TQLC được thành lập. Năm 1970, Sư Đoàn còn có 3 Lữ Đoàn và 9 Tiểu Đoàn Bộ Binh, 3 Tiểu Đoàn pháo binh, và một số Tiểu Đoàn yểm trợ tiếp vận với số quân trên 11000 người.


2. Hoạt động
Cuối năm 1953, Tiểu Đoàn 1 TQLC bắt đầu triển khai đối đầu với lực lượng Mặt trận Giải Phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1960 Tổng thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm Đại úy Lê Nguyên Khang làm chỉ huy trưởng TQLC. Năm 1961, Tiểu Đoàn 4 được thành lập tại Vũng Tàu, cách Sài Gòn về phía Nam 60km cùng các đơn vị Hải Quân nhận nhiệm vụ truy quét Rừng U Minh. Năm 1964 đánh dấu một năm hoàn toàn thất bại của TQLC. Cuối tháng 12 năm 1964, lực lượng Mặt trận Giải Phóng chiếm Bình Giã. Các đơn vị Biệt Động Quân và TQLC được lệnh tái chiếm, Đại đội 2 TQLC rơi vào phục kích, 3 đại đội còn lại trên đường tiếp viện khi qua rừng cao su cũng bị phục kích, Tiểu Đoàn 4 mất sức chiến đấu, thương vong đến 60%.
Mùa hè năm 1970 TQLC được điều động tới phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Năm 1971, TQLC tiến hành chiến dịch ở cấp Sư Đoàn, trong chiến dịch Lam Sơn 719 với mục tiêu cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh tại Tchepone, Lào. Ngày 18 tháng 3 năm 1971, TQLC từ căn cứ hỏa lực Delta lần đầu tiên chạm trán Cộng sản Bắc Việt. Ngày 21 tháng 3 năm 1971 TQLC bị vây hãm ở Delta và phải phá vây rút lui về biên giới Việt Nam.
Tháng 3 năm 1975, TQLC đã bố trí lực lượng ở phía Nam Quảng Trị để phối hợp phòng thủ Đà Nẵng. Đến tháng 4 năm 1975, các đơn vị Quân lực VNCH đóng tại Đà Nẵng bắt đầu tan rã, chỉ còn Lữ Đoàn TQLC còn giữ được hàng ngũ.


3. Những chiến công hiển hách.

Chiến thắng Đầm Dơi của Tiểu Đoàn 2 là chiến thắng lớn nhất của Quân lực VNCH năm 1963. Ngày 31 tháng 12 năm 1964 Tiểu Đoàn 4 tham gia trận Bình Giã gây cho Cộng sản nhiều tổn thất nhưng cũng thiệt hại nặng. Ngay 8 tháng 4 năm 1965 chiến thắng Phụng Dư, Bình Định, Tiểu Đoàn 2 đánh tan một Trung Đoàn Sao Vàng và được Tổng thống Ngô Đình Diệm ân thưởng Đệ Tứ Đẳng bảo Quốc Huân Chương kèm theo Anh Dũng Bội Tinh.

Tết Mậu Thân 1968, tất cả các Tiểu Đoàn đều lập nhiều chiến công. Tiểu Đoàn 6 đánh tan Cộng sản ở khu Bình Hòa, Tiểu Đoàn 2 tiêu diệt hầu hết những đơn vị xâm nhập vào những nơi trọng yếu tại Đô thành. Tháng 7 năm 1970 Lữ Đoàn 369 hành quân giải tỏa áp lực địch trên Quốc lộ 4 từ Nam Vang đi Hải Cảng Sihanouk Ville. Tiểu Đoàn 8 và Tiểu Đoàn 9 đã hoàn thành nhiệm vụ sau những cuộc đọ súng ác liệt trên vùng đồi núi 2 bên quốc lộ.
Tiểu đoàn 4 Kình Ngư
Đầu năm 1971, Bộ Tư lệnh Sư Đoàn tham dự hành quân Lam Sơn 719. Đầu tháng 10 năm 1971, Tiểu Đoàn 9 TQLC dưới quyền chỉ huy của Trung tá Phạm Văn Chung Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 369 tăng phái cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh và tham dự Hành quân Lam Sơn 810, được trao nhiệm vụ tái chiếm căn cứ Hoa Kỳ có tên là "Động Cù - Mông".


Chiến thắng Thành cổ Đinh Công Tráng
Đầu tháng 4 năm 1972, Lữ Đoàn 258 lập chiến công lớn trong dịp lễ Phục sinh, trận đánh với Bộ Binh và chiến xa Bắc Việt ở Pedro và Ái Tử của Lữ Đoàn 258. Đầu tháng 5 năm 1972 Lữ Đoàn 369 do Đại tá Phạm Văn Chung chỉ huy các Tiểu Đoàn 2, Tiểu Đoàn 5 và Tiểu Đoàn 9 đã giữ vững tuyến Mỹ Chánh, ngăn chặn lực lượng hùng hậu của Cộng sản Bắc Việt có ý định tiến đánh Huế.

Ngày 28 tháng 6 năm 1972, Hành quân tái chiếm Quảng Trị ở cấp Sư Đoàn. Quảng Trị mãi ghi danh những người lính của Sư Đoàn TQLC. Trong tác phẩm Mùa hè đỏ lửa, nhà văn Phan Nhật Nam đã viết: " Người đời sau nói đến Quảng Trị không thể nào không nhắc đến Binh đoàn TQLC với những người lính Mũ Xanh anh dũng đã làm tròn nhiệm vụ được giao phó."".

Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến:  một trong những đơn vị oai hùng trên tất cả mặt trận khắp 4 vùng chiến thuật và ngoại biên. Lịch sử Quân lực Miền Nam mãi mãi ghi nhớ chiến công của Thủy Quân Lục Chiến tại Đầm Dơi (An Xuyên), Huế, Quốc lộ 9 và đặc biệt là Thành Cổ Đinh Công Tráng (Quảng Trị)...

Ozzie Nguyen
(Bài viết được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau)

Friday, January 3, 2014

Sư đoàn Nhảy Dù, lừng danh Thiên thần Mũ Đỏ

Sư đoàn Nhảy Dù là một trong những đơn vị hàng đầu và kiêu hùng của Quân lực VNCH, chiến đấu kỷ luật. Đơn vị được thành lập ngày 29/9/1954 do Thiếu tá Đỗ Cao Trí làm Chỉ huy trưởng. Ngay sau khi nhập cuộc, Nhảy Dù đã làm rung chuyển khắp các chiến trường với nhiều chiến công hiển hách tại Sài Gòn-Chợ Lớn, Rừng Sát (Phước Tuy) và đã được nâng lên thành Liên đoàn Nhảy Dù do Trung tá Nguyễn Chánh Thi làm Lữ đoàn trưởng.  

Trong bối cảnh tình hình chiến sự leo thang và  ngày một khốc liệt, các Tiểu đoàn Nhảy Dù thường xuyên phải tăng cường dài hạn cho 4 vùng chiến thuật nên lần lượt các quân binh chủng Nhảy Dù được thành lập để đáp ứng yêu cầu chiến trường. Quân lực VNCH mỗi lúc một lớn mạnh, nhân sự khắp các quân binh chủng Nhảy Dù từng ngày dần được hoàn thiện và chính thức vươn lên cấp Sư đoàn ngày 1/2/1965 do Trung tướng Dư Quốc Đống làm Tư lệnh cho đến năm 1972 và Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng làm Tư Lệnh đến tháng 4 năm 1975. 

Sư đoàn Nhảy Dù từ lúc ra đời cho đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã luôn chiến đấu oanh liệt làm địch quân nhiều phen khiếp sợ và chấp nhận thương vong. Gót chân Thiên thần Mũ Đỏ đã dẫm nát các căn cứ hậu cần, các mật khu trên 4 vùng chiến thuật, tiêu diệt hàng trăm đơn vị chính quy của Cộng sản Bắc Việt và địa phương. Tổng số Cộng quân bị hạ, bị bắt và ra quy chánh lên tới 50.000 tên, tịch thu hơn 50.000 vũ khí và hàng trăm tấn quân trang quân dụng, đạn dược, hàng trăm ngàn doanh trại, cơ sở. hầm, địa đạo của Cộng sản bị Nhảy Dù phá hủy. Đến những giờ phút cuối cùng Nhảy Dù vẫn giữ vững từng tấc đất được giao phó, hoàn thành nhiệm vụ, làm nút chặn địch để đồng bào bình yên rời Sài Gòn ra đi, và ngã gục trên Đất Mẹ.

Sư đoàn Nhảy Dù được chỉ huy bởi các Tư lệnh:

* Đại tá Tư lệnh Đỗ Cao Trí: Ngày 29 tháng 9 năm 1954 Quân đội Pháp giao lại Liên đoàn 3 Nhảy Dù cho Quân đội Quốc Gia Việt Nam, lúc này ông đang là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù với cấp bậc Thiếu tá. Ngày 1 tháng 5 năm 1955, Bộ chỉ huy Liên đoàn Nhảy dù chính thức thành lập, ông được cử giữ chức chỉ huy trưởng cấp bậc Trung tá. Tháng 11 năm 1955 ông được thăng Đại tá và trở thành chỉ huy trưởng đầu tiên của Binh chủng Nhảy Dù Quân lực VNCH.




* Đại tá Tư lệnh Nguyễn Chánh Thi: Ngày 23 tháng 4 năm 1955 ông về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Trong chiến dịch Hoàng Diệu, tiêu trừ quân Bình Xuyên tại Đặc khu Rừng Sác, ông được Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ định làm Chỉ huy Phó Liên Đoàn Nhảy Dù chỉ huy 3 Tiểu Đoàn 1, 5 và 6 tham gia chiến dịch. Đầu tháng 9 năm 1956 ông được chỉ định làm Chỉ huy Trưởng Liên Đoàn Nhảy Dù thay thế Đại tá Đỗ Cao Trí. Khi Liên Đoàn Nhảy Dù được cải danh thành Lữ Đoàn ông là vị Tư lệnh đầu tiên của Lữ Đoàn Nhảy Dù.




* Chuẩn tướng Tư lệnh Cao Văn Viên: Sau khi chế độ VNCH được thành lập, ông được điều về công tác tại Phòng 4 (Tiếp vận) thuộc Bộ Tổng tham mưu vừa được thành lập, hàm Thiếu tá. Năm 1956 ông được cử làm Tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Thổng thống hàm Trung tá. năm 1960 ông được thăng chức Đại tá cử làm Tư lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù thay thế Đại tá Nguyễn Chánh Thi và giữ chức Tư lệnh cho đến năm 1964, hàm Chuẩn tướng.





* Trung tướng Tư lệnh Dư Quốc Đống: Sau khi mãn khóa Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt ông về Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù, hàm Thiếu úy giữ chức Trung đội trưởng. Năm 1954, ông được thăng cấp Trung úy và giữ chức Đại đội trưởng tham gia chiến dịch càn quét lực lượng Bình Xuyên ra khỏi Đô thành Sài Gòn năm 1955. Sau trận này ông được thăng cấp Đại úy. Năm 1957 ông được Đại tá Tư lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù chỉ định làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện đào tạo Hạ sỹ quan Nhảy Dù, đến năm 1959 được đề cử giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù. Tháng 6 năm 1961 sau chiến thắng Kiến Phong ông được thăng cấp Thiếu tá tại mặt trận. Sau chiến thắng Tân Châu Hồng Ngự, Thiếu tướng Cao Văn Viên đã trao cấp bậc Đại tá và trao Quyền Tư lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù cho ông ngày 19/6/1964. Đầu tháng 11 năm 1964 ông được vinh thăng Chuẩn tướng, chính thức nhậm chức Tư lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù. Ngày Quân lực 19/6/1966 ông được thăng chức Thiếu tướng, tháng 7 năm 1970 ông được thăng Trung tướng và tiếp tục giữ chức Tư lệnh đến năm 1972.


* Chuẩn tướng Tư lệnh Lê Quang Lưỡng: Sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Trừ bị Thủ Đức ông tình nguyện vào Binh chủng Nhảy Dù với cấp bậc Thiếu úy. Năm 1956 ông là Đại đội trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, cấp bậc Đại úy. Đến năm 1963 ông trở thành Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Năm 1966 ông được thăng chức Thiếu tá nhiệm chức. Tháng 11 năm 1967 ông được chỉ định làm Chiến đoàn trưởng Chiến Đoàn 1 Nhảy Dù và đúng 1 năm sau ông được vinh thăng Trung tá Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù. Năm 1970 ông được thăng cấp Đại tá nhiệm chức chỉ huy Lữ Đoàn 1 tham dự Hành quân Lam Sơn. Năm 1972 ông chỉ huy Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù tái chiếm Quảng Trị lập nhiều chiến công, cuối tháng 8 ông được vinh thăng Chuẩn tướng nhiệm chức. Tháng 11 năm 1972 ông được chỉ định làm Tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù thay thế Trung tướng Dư Quốc Đống. Năm 1974 ông được vinh thăng Chuẩn tướng thực thụ và là Tư lệnh cuối cùng của Sư Đoàn Nhảy Dù Quân lực VNCH


Hành quân Lam Sơn 719

Ozzie Nguyen
(Bài viết được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn tài liệu)