Tuesday, January 21, 2014

Biệt Động Quân: những người lính Mũ Nâu bất khuất

Trong bối cảnh đất nước chia đôi với sự hình thành 2 quốc gia độc lập trong đó Việt Nam Cộng Hòa (ban đầu có tên là Quốc Gia Việt Nam) quản lý từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, miền Bắc đã thực hiện mục đích khởi động chiến tranh xâm lược miền Nam. Cộng sản đã tổ chức lực lượng nằm vùng, len lỏi vào miền Nam Việt Nam, thực hiện các cuộc chiến tranh du kích trên các vùng nông thôn, vùng núi hiểm trở sát dãy Trường Sơn. Để ngăn chặn sự xâm nhập của CS và đối phó chiến tranh du kích, Chính phủ VNCH nhận thấy cần có những đơn vị quân đội được huấn luyện đặc biệt với các trang thiết bị phù hợp. Dưới sự tham mưu quân sự của các cố vấn Hoa Kỳ và Bộ Tổng tham mưu, Tổng thống Ngô Đình diệm đã chấp thuận cho thành lập và huấn luyện những đơn vị quyết tử và các đơn vị thám sát nhằm thực hiện các công tác bí mật và nguy hiểm. Tình hình chiến sự leo thang và ngày càng khốc liệt, chiến tranh du kích của CS ngày càng mở rộng về mặt quy mô và chiến lược ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, gây khó khăn và thiệt hại cho các đơn vị Bộ binh Quân lực VNCH đồn trú. Nắm được tình hình đó, ngày 15 tháng 2 năm 1960 Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra sắc lệnh cho các sư đoàn thành lập các Đại đội Biệt Động Quân (BĐQ) (Hoa kỳ gọi là Ranger).


Sau sắc lệnh đó có 50 đại đội đã được thành lập trong đó có 32 đại đội thành lập vào đầu tháng 3 năm 1960 thuộc các Quân khu và 18 Đại đội do các Sư đoàn điều khiển.

Liên đoàn 1 Biệt Động Quân tại tuyến La Vang cuối tháng 4 năm 1972
Nhiệm vụ của Biệt Động Quân là đối phó với chiến tranh du kích của CS trên toàn lãnh thổ VNCH. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đòi hỏi các quân nhân tham gia đều phải có lòng can đảm, giàu kinh nghiệp chiến trường và có sức chịu đựng cao. Để đảm bảo  có được lực lượng hội đủ các điều kiện này, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh chọn các cán bộ chỉ huy từ cấp Trung đội trưởng đến Đại đội trưởng đều phải là các quân nhân xuất sắc, căn bản là tự nguyện, không nhận binh sỹ quân dịch. Tháng 5 năm 1960, toán huấn luyện đặc biệt dưới quyền Đại tá William Ewald từ Liên đoàn 77 Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ tại Fort Bragg, North Calorina được gửi tới Việt Nam để huấn luyện cho Biệt Động Quân về chiến thuật và kỹ thuật tác chiến. Và ngày 1 tháng 7 năm 1960 đánh dấu một ngày đặc biệt: chính thức thành lập Binh chủng Biệt Động Quân VNCH dưới sự hỗ trợ của toán huấn luyện lưu động của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ do Đại tá Lewis Mille chỉ huy. Song hành với việc huấn luyện là các công việc liên quan tới hoàn chỉnh tổ chức Binh chủng, soạn thảo huấn thị, huấn lệnh, chọn phù hiệu, lập bảng số. Dưới sự hỗ trợ của các Trung tâm huấn luyện và các chuyên gia huấn luyện Hoa Kỳ, lực lượng Biệt Động Quân dần dần đi vào hoạt động, việc huấn luyện cũng dần hoàn chỉnh, các Trung tâm huấn luyện ban đầu chấm dứt nhiệm vụ, việc huấn luyện được chuyển sang Trung tâm mới dành riêng đào tạo Biệt Động Quân. Trung tâm đồn trú tại Dục Mỹ nằm trên Quốc lộ 21 từ Ninh Hòa tới Ban Mê Thuột.

Năm 1964, các Tiểu đoàn 10, 20, 30 được cải danh thành Tiểu đoàn 11, 21, 31 Biệt Động Quân tương ứng với thứ tự vùng chiến thuật. Đến cuối năm 1964 đầu năm 1965 Binh chủng đã cải tổ và phát triển hoàn chỉnh và có hơn 20 Tiểu đoàn tác chiến gọi là BĐQ tiếp ứng đã cùng các đơn vị bạn như Nhảy Dù, TQLC... tham dự các trận đánh lớn lập nhiều chiến công vẻ vang trên khắp 4 vùng chiến thuật. Điển hình như Trận Bình Giã (vùng 1 CT), Đồng Xoài (vùng 3 CT) và dành nhiều huy chương cao quý. Cuộc chiến ngày càng lan rộng và khốc liệt, bởi vậy năm 1967 Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH đã quyết định phát triển và nâng lực lượng BĐQ lên mức Liên đoàn, khởi đầu là Liên đoàn 5 BĐQ tổng trừ bị cho Bộ Tổng tham mưu QL VNCH, đặc trách chiến trường bảo vệ Biệt khu Thủ Đô. Năm 1970, lực lượng BĐQ có cơ hội vươn mình lớn mạnh và khẳng định mình khi nhận thêm nhiệm vụ chặn tuyến xâm nhập địch quân từ Bắc vào Nam, dọc biên giới Việt-Lào, Việt Nam - Campuchia. Lúc này để đáp ứng nhiệm vụ mới bên cạnh 20 Tiểu đoàn BĐQ tiếp ứng, có thêm 39 Tiểu đoàn BĐQ biên phòng, tham gia hành quân ngoại biên, truy quét CSBV.

Đến năm 1971, Binh chủng BĐQ đã có 15 Liên đoàn. Mùa hè 1972, BĐQ hoàn toàn đảm trách chiến trường Bình Long - An Lộc do Tư lệnh Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn, Chỉ huy trưởng BĐQ chỉ huy. Trong bối cảnh phải chiến đấu tự lực và đơn phương sau Hiệp định Paris, Bộ Tổng tham mưu QL VNCH quyết định thành lập Sư đoàn Biệt Động Quân. Cuối tháng 3 thành lập 2 Sư đoàn là Sư đoàn 101 do vị Tư lệnh đầu tiên và cũng là cuối cùng Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn chỉ huy trưởng và Sư đoàn 106 do Đại tá Nguyễn Văn Lộc là Tư lệnh

Biệt Động Quân là một binh chủng biệt động cảm tử luôn dấn thân vào những mặt trận máu lửa nhất. Biệt Động Quân được sử dụng tối đa cho các cuộc hành quân trực thăng vận, vào tận sào huyệt của Cộng Sản, tung hoành khắp 4 vùng chiến thuật. Cọp con thuộc các Tiểu đoàn 41, 42, 43, 44 vang lừng khắp chiến trường; các chiến sỹ mũ nâu thuộc Tiểu đoàn 21 và 39 đã làm cho Quân lực Hoa Kỳ phải ngả mũ kính chào trước sức chiến đấu bền bỉ và dũng mãnh trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Riêng Tiểu đoàn 43 là đơn vị cuối cùng tự thủ tại Sài Gòn bảo vệ cho người dân trước súng đạn của kẻ thù. Biệt Động Quân mãi mãi đi vào những trang hào hùng nhất của Quân lực miền Nam ghi danh tên tuổi bất khuất Vị Quốc Vong Thân như Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn....

Ozzie Nguyen

No comments:

Post a Comment