Wednesday, June 18, 2014

Lịch sử ra đời Ngày Quân lực



Quân lực VNCH chính thức ra đời vào những ngày cuối năm 1954 sau ngày Hiệp định Geneve được ký kết giữa Pháp và CSVN. Các quân binh chủng lúc này lần lượt được Pháp chuyển về cho Việt Nam đồng thời các cơ sở hành chính, cảnh sát, công an, tư pháp đồng loạt được trả cho Việt Nam và từ đó ngay 26/10 hàng năm thời Đệ Nhất Cộng Hòa được chọn là ngày Quốc khánh.

Ngay sau đó các Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp Pháp-Việt được cải tổ và cải danh thành Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH, các Bộ Tư lệnh Quân khu đổi thành Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Đến đầu năm 1958 các đơn vị Sư đoàn Khinh chiến, Dã chiến được đổi thành các Sư đoàn Bộ Binh, các Lữ đoàn TQLC, Liên đoàn Nhảy dù cũng bành trướng thành các Sư đoàn Tổng Trừ bị vào cuối năm 1965, các Đại đội Biệt Động Quân được thành lập thành Tiểu đoàn rồi Liên đoàn và Sư đoàn; các chiến hạm Hải Quân do Quân đội Pháp để lại được thay thế bằng những chiến hạm tân tiến, thành lập các Bộ Tư lệnh Hải Quân vùng; Sư đoàn Không Quân ra đời được trang bị các Phản lực cơ siêu âm với các Phi đoàn. Với sự lớn mạnh từng ngày Quân lực VNCH xứng đáng là một quân lực tinh nhuệ và hùng hậu đứng vào hàng thứ 5 trên thế giới.

Và rồi những cơn bão chính trị đã dần cuốn Quân lực VNCH vào vòng xoáy mạnh mẽ của nó. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Trung tướng Dương Văn Minh cùng số đông các tướng lãnh và các cấp chỉ huy các đơn vị xung quanh Sài Gòn đã lật đổ chế độ của Tống thống Ngô Đình Diệm, hình thành chính phủ của Đốc Phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ (Phó tổng thống của Tổng thống Ngô Đình Diệm). Tuy nhiên thật không may, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ lại là một chính phủ bè phái với những âm mưu lật đổ mới và gây chia rẽ. Nhưng những âm mưu đó chỉ đang trong giai đoạn thai nghén đã bị Trung tướng Trần Thiện Khiêm Tư lệnh Quân đoàn 3 cùng Trung tướng Nguyễn Khánh Tư lệnh Quân đoàn 1, Đại tá Nguyễn Chánh Thi Tư lệnh phó Quân đoàn 1 dùng ưu thế quân đội dập tắt. Ngày 31 tháng 1 năm 1964 Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ bị lật đổ hoàn toàn, toàn bộ tướng lãnh chủ mưu bị bắt. Dân chúng lúc này thực sự hoài nghi về nên chính trị tại Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam.

Ngày 13 tháng 9 năm 1964 Đảng Đại Việt đảo chánh do Đại tá Huỳnh Văn Tốn Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh và Trung tướng Dương Văn Đức Tư lệnh Quân đoàn 4 chủ mưu. Tướng Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đang làm  Tham Mưu trưởng liên quân tại Bộ Tổng tham mưu không có quân trong tay đã phải cầu cứu Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh về Sài Gòn dẹp đảo chánh. Cuộc phản công thành công dễ dàng. Đến ngày 19 tháng 2 năm 1965, Thiếu tướng Lâm Văn Phát và Đại tá Phạm Ngọc Thảo lại diễn thêm một màn kịch đảo chính tại Sài Gòn nhưng cũng lại bị dẹp tan dưới tay của Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi. Với tư cách là Tư lệnh Quân đoàn Giải phóng Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi đã yêu cầu Quốc trưởng Phan Khắc Sửu miễn nhiệm Tướng Nguyễn Khánh, ép tướng Khánh xuất ngoại với lý do trị bệnh, giao lại chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH cho Trung tướng Trần Văn Minh.

Ngày 25 tháng 2 năm 1965, sau một năm khuấy đảo nên chính trị tại Đô thành Sài Gòn, Tướng Nguyễn Khánh lên đường lưu vong. Cùng ngày Thủ tướng Phan Huy Quát thành lập chính phủ mới. Nhưng sau 4 tháng cầm quyền đầy rối loạn, chính phủ chính thức trao quyền điều hành Quốc gia cho Quân đội. Ngày 6 tháng 6 năm 1965 Hội đồng Quân lực nhóm họp khẩn cấp do toàn bộ các Tướng lãnh Việt Nam điều khiển và sẵn sàng tiếp nhận vai trò lãnh đạo đất nước, điều khiển Quốc gia với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu Tham mưu trưởng Liên Quân làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc Gia (Quốc trưởng), Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ Tư lệnh Không Quân làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung Ương (Thủ tưởng) và lấy ngày 19/6 hàng năm là ngày Quân lực cùng bản Quốc ca nổi tiếng hào hùng.

Năm 1966 là năm đầu tiên lấy ngày 19 tháng 6 là ngày Quân lực với một cuộc diễu binh rất quy mô mang lại niềm tin mãnh liệt ở sức mạnh của Quân đội cho dân chúng, làm ăn lòng dân sau những năm tháng chính trị bất ổn.

(Còn tiếp)
HA
(thông tin được phân tích và tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu)

No comments:

Post a Comment